Trồng rau thủy canh đang trở thành một xu hướng phổ biến từ thành thị đến nông thôn bởi nó có khả năng, giải quyết các vấn đề khó khăn của các mô hình trồng rau thông thường như diện tích, các vấn đề về chất lượng đất, sâu bệnh,… Đặc biệt, mô hình trồng thuỷ canh còn vượt trội hơn các mô hình canh tác khác về khả năng trồng rau trái vụ. Đồng thời, quá trình trồng rau thủy canh là hoàn toàn tự động và không sử dụng chất hóa học sẽ đảm bảo được chất lượng và độ an toàn với sức khỏe của người dùng.
Nếu bạn muốn bắt tay vào làm một vườn rau thủy canh thì sau đây là các mô hình trồng rau thuỷ canh phổ biến mà bạn có thể tham khảo.
Thuỷ canh hồi lưu

Mô hình thuỷ canh hồi lưu được áp dụng rất nhiều trong các trang trại thuỷ canh
Đây là phương pháp trồng cây bằng cách sử dụng những thùng chứa dung dịch dinh dưỡng, hệ thống dẫn nước và máy bơm để bơm luân chuyển dung dich dinh dưỡng lên những ống trồng rau.
Ưu điểm:
- Tiết kiệm thời gian chăm sóc: Hệ thống được lắp đặt để hoạt động tự động nên đây là phương pháp giúp tiết kiệm thời gian hiệu quả cho người trồng..
- Có thể áp dụng rộng rãi
- Cây dễ hấp thụ chất dinh dưỡng và trao đổi chất tốt hơn nhờ vào sự luân chuyển liên tục của dung dịch dinh dưỡng.
- Năng suất cây trồng theo mô hình thủy canh hồi lưu cho năng suất cao hơn, tươi ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhược điểm:
- Đầu tư hệ thống trồng tốn kém hơn so với trồng phương pháp trồng trong đất.
- Không thể trồng được một số loại cây như cây ăn quả lâu năm.
Thuỷ canh tĩnh

Mô hình thuỷ canh tĩnh tiết kiệm chi phí
Thủy canh tĩnh là phương pháp cho rễ cây ngập trong nước đã được pha dinh dưỡng vào và sử dụng hệ thống sục oxy để làm rễ thông thoáng. Mô hình này vừa đơn giản lại vừa mang đến hiệu quả cao, phù hợp với nhiều hộ gia đình nên khá được ưa chuộng.
Ưu điểm: Bên cạnh những ưu điểm chung của phương pháp trồng cây thủy canh như đã nhắc ở đầu bài thì trồng cây theo phương pháp thủy canh tĩnh còn có ưu điểm khác là tiết kiệm chi phí.
Nhược điểm:
- Thùng xốp, khay nhựa hay dụng cụ để chứa dung dịch thủy canh thường rất cồng kềnh và nặng.
- Do đây là môi trường thủy canh tĩnh, nghĩa là dung dịch dinh dưỡng luôn đứng yên nên dễ có bọ gậy, rong rêu bám vào thân cây.
Khí canh

Các trụ khí canh giúp tiết kiệm rất nhiều diện tích trồng rau
Đây là kỹ thuật trồng cây mà trong đó cây trồng được giữ đứng, chất dinh dưỡng sẽ được phun thành dạng sương dưới áp lực của máy bơm. Mô hình gồm các bộ phận: giá đỡ, hệ thống cung cấp dinh dưỡng, hệ thống cảm biến, bình chứa dung dịch dinh dưỡng, đài phun nước, ống để phân phối nước, ống để trả dung dịch dinh dưỡng thừa trở lại hồ chứa, hẹn giờ,…
Ưu điểm: Khí canh có những ưu điểm khác biệt như sau:
- Không lãng phí nước trong hệ thống khí canh vì mỗi giọt nước đều được tái chế trong mạch kín
- Có thể canh tác trong không gian nhỏ hẹp
- Dễ xử lý sâu bọ, bệnh vì cây được trồng trong không gian kín
Nhược điểm:
- Tốn nhiều vốn đầu tư để lắp đặt hệ thống, chi phí sửa chữa khi gặp sự cố là không nhỏ
- Đòi hỏi người trồng phải có nhiều kinh nghiệm và kiến thức nhất định về kỹ thuật trồng cây này
- Tiêu tốn nhiều điện năng do hệ thống hoạt động liên tục
- Việc vệ sinh máy phun sương cần diễn ra thường xuyên vì nó dễ bị kẹt do khoáng chất
- Nếu xảy ra sự cố mất điện thì hệ thống sẽ ngừng hoạt động, thời gian kéo dài cây sẽ bị khô
Tưới nhỏ giọt trên nền giá thể

Mô hình tưới nhỏ giọt trồng cà chua dưa leo rất được ưa chuộng
Với phương pháp này, việc cung cấp dinh dưỡng cho cây được thực hiện bằng cách tưới nhỏ giọt dung dịch dinh dưỡng lên phần cây bằng hệ thống tưới tự động. Và tất nhiên, phương pháp này đòi hỏi bạn phải đáp ứng đầy đủ các trang thiết bị như hệ thống lọc nước, ống nhỏ giọt, hệ thống tưới nước tự động, giá đỡ cây,…
Ưu điểm:
- Tiết kiệm tối đa chất dinh dưỡng khi tưới
- Tiết kiệm được khá nhiều công sức và thời gian chăm sóc vì tất cả đều diễn ra tự động
Nhược điểm:
- Chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt khá tốn kém
- Cần thường xuyên kiểm tra hệ thống tưới tiêu vì nó dễ bị tắc nghẽn
Trên đây là các mô hình trồng rau thủy canh phổ biến với những ưu và nhược điểm riêng của chúng. Hy vọng bài viết này sẽ trở thành tài liệu tham khảo để các bạn có thể áp dụng vào vườn rau của nhà mình.